Đức Hộ Pháp - Người sáng lập đạo Cao Đài




(Your Tây Ninh) Ngày mùng 5 tháng 5 năm Mậu Tý ( 2008 ) toàn thể tín hữu đạo Cao Đài khắp nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam đồng hân hoan đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh năm thứ 119 của Đức Hộ Pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Cách đây ngót 37 năm, tại Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh Hiền Tài Nguyễn Long Thành đã bày tỏ cái cảm nghĩ của mình đối với ngày Đại Lễ như hôm nay, nay Ban Tổ Chức chúng tôi xin mượn vài ý chính để nói lên ý nghĩa của buổi Đại Lễ nầy như sau:
Cái gì đã làm nên một Hộ Pháp trong lịch sử đạo Cao Đài để ngày nay hằng mấy triệu tín đồ Cao Đài hết lòng sùng kính và ngưỡng mộ ?
Có thể nói mà không sợ quá lời: Chính tư tưởng, lời nói, đức hạnh, hành động và khí phách của Ngài đã phô diễn ra trong suốt cuộc đời đã làm nên một Hộ Pháp sáng ngời của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Thiết nghĩ, mỗi lần tổ chức lễ Giáng Sinh của Ngài với đầy đủ ý nghĩa là mỗi lần làm sống lại tinh thần của Ngài, thực hiện lời giáo huấn của Ngài, thể hiện tư tưởng của Ngài bằng hành động và nhất là làm cho khí phách anh linh của Ngài bao trùm cả vạn vật. Đó mới đích thực là mục đích chính của buổi lễ mà chúng tôi mong đạt được.
Do đó, nhân dịp nầy, chúng tôi cũng muốn nói lên cái sống của Đức Phạm Hộ Pháp bàn bạc khắp nơi không chút nào cách biệt giữa Đạo và Đời. Nhất là chúng tôi muốn làm sống lại cái tinh thần phục vụ trong sáng cho Đạo, cho Đời, cho tất cả nhơn loại… với mong để người đi sau nối bước.
Như mọi tín đồ Cao Đài đều biết, Đức Chí Tôn đã trục Chơn Thần của Ông Phạm công Tắc để Chơn hồn của Ngự Mã Thiên Quân giáng vào xác thân của Ông Phạm Công Tắc vào đêm 23 tháng 4 năm 1926 và Đức Chí Tôn đặt Ngài vào Phẩm vị Hộ Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Bắt đầu từ đó , Đức Phạm Hộ Pháp xả thân hành đạo, phổ độ chúng sanh và đã để lại sự nghiệp lớn lao cho Đạo lẫn Đời.
Trong phạm vi hạn hẹp về thời gian của buổi lễ hôm nay, chúng tôi xin được phép kể qua vài nét tổng thể về sự nghiệp mà Đức Ngài đã tạo nên trong thời gian 33 năm 13 ngày , kể cả thời gian hơn 5 năm bị Pháp bắt lưu đày trên đảo Madagasca ở tận Châu Phi.
1/ VỀ PHẦN ĐẠO:
Thử nhìn về quê nhà Tòa Thánh Tây Ninh, chúng ta thấy từ việc xây cất Tòa Thánh, hoặc từ những Đền Thờ, dinh thự để làm các Cơ Sở Đạo, từ những con đường lớn hay nhỏ đến các cầu cống, từ ngôi chợ đến các khu cư dân được tổ chức hết sức qui cũ, từ các Trường Trung Tiểu Học cho đến các Y viện, Dưỡng lão, Cô nhi viện…đâu đâu cũng có những dấu vết với đôi bàn tay của Đức Ngài.
Đó là chưa nói đến sứ mạng của một nền Tân tôn do Đức Chí Tôn khai sáng là đạo Cao Đài, là một tôn giáo chứa đựng đủ các sắc thái bao hàm các giáo lý từ cổ chí kim, tứ Đông sang Tây với chiều hướng: Xưa kia vì nhơn loại chỉ sống tại tư phương của mình, có những nền văn minh khác nhau, có những phong tục tạp quán cũng khác nhau nên Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế từ “ Nhứt bổn tán vạn thù” để dễ dàng giáo đạo. Nay nhơn loại đã hiệp đồng, khoảng cách trên quả đất nầy không còn ngăn cách nữa, do vậy Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mới gom về một mối “ Vạn thù qui nhứt bổn “ để hiệp nhứt các đức tin vào một Đấng đã tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ, lấy Nho Tông Chuyển Thế để sửa đổi xã hội loài người đang trên đà suy thoái về mặt đạo đức hết sức trầm trọng hầu lập nên đời Thánh Đức và nhất là kịp thời cứu rỗi cho toàn nhơn loại vào thời Hạ Ngưon Mạt Pháp nầy.
Với sứ mạng của một Tôn giáo vừa kể trên, Đức Hộ Pháp lãnh lịnh Đức Chí Tôn giữ vững Chơn Truyền và hoằng hóa từ Việt Nam đến khắp nơi trên Thế giới. Công nghiệp của Đức Ngài đối với Đạo quả không đủ lời để nói lên cái thành quả đã gầy dựng nên so với thời gian 33 năm 13 ngày!

2/ VỀ PHẦN ĐỜI:
Mặc dù là vị lãnh đạo Tôn giáo, nhưng Đức Hộ Pháp không thể điềm nhiên ngồi nhìn ngoại bang với mưu đồ dày xéo quê hương và dân tộc Việt Nam. Nhân ngày Đại lễ Vía Đức Chí Tôn năm Đinh Hợi 1947, Đức Hộ Pháp tuyên bố: “ Đừng để ngoại bang xâm nhập vào nội quyền Việt Nam rồi đưa đến cảnh tương tàn, tương sát và làm món hàng cho các cường quốc đổi chác.”
Biết trước mưu đồ chia đôi đất nước của ngoại bang, Đức Hộ Pháp tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm làm trung gian cho việc hòa giải giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản đang tranh giành quyền bá chủ, Ngài đề xướng thuyết Trung Lập cho Việt Nam như ở Thụy Sĩ.
Khi được biết ngoại bang có mưu đồ bán đứng Việt Nam trên bàn Hội Nghị Genève, Đức Hộ Pháp liền mở một cuộc họp báo tại Genève lúc 17 giờ ngày 18 tháng 7 năm 1945 để phản đối ngoại bang áp đặt chia đôi lãnh thổ Việt Nam. Tại buổi họp báo nầy, Đức Hộ Pháp đã tuyên bố: “ Nếu Việt Minh và Pháp tuân lịnh ngoại bang chia nước Việt Nam làm hai mà không có sự chấp thuận của toàn dân Việt Nam thì Bần Đạo quyết chống cả hai.”
Trở về Việt Nam, sau chuyến Âu du, tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp gởi một bức Thông Điệp thiết tha kêu gọi những vị cầm quyền Chánh phủ, các nhà lãnh đạo Quốc gia cần nhận định nhiệm vụ một cách sáng suốt hơn. Đối với quốc gia Việt Nam các vị lãnh đạo miền Nam cũng như miền Bắc, Bần Đạo xin các Ông hiến cho một tấm gương sáng về sự đoàn kết. Trách nhiệm của các Ông thật nặng nề, nếu các Ông cứ cố chấp theo đuổi một cuộc chiến tranh lý tưởng Quốc tế đầy dẫy những dục vọng và phe đảng thì các Ông là người có tội với Tổ Quốc và Nhân dân Việt Nam.
Các Ông cầm đầu chánh phủ miền Bắc cũng như miền Nam, các Ông còn ngại gì mà không nêu gương đoàn kết, thành lập một Chánh Phủ Lâm Thời duy nhất, thoát ly mọi ảnh hưởng ngoại quốc với sự tham dự của các phần tử thuộc mọi khuynh hướng chánh trị, tôn giáo hầu tiến tới một cuộc Tổng Tuyển Cử toàn quốc Việt Nam. Toàn dân sẽ ghi công các Ông.
Khi Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 không được tôn trọng, hoàn cảnh nước Việt Nam lúc bấy giờ trở nên đen tối và dần đưa cuộc chiến Việt Nam càng ngày càng khốc liệt.
Trước cảnh đồng bào bị ngoại bang áp đặt, gây cảnh nồi da xáo thịt, Đức Hộ Pháp phải lưu vong sang Cao Miên vào ngày 16/2 / 1956 để tìm phương gở rối cho thế cuộc. Ngày 26 /3/1956 Đức Hộ Pháp có gởi 2 bức thư cho Chủ Tịch Hồ chí Minh và Tổng Thống Ngô đình Diệm kêu gọi cuộc thi đua Nhân Nghĩa giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Đồng thời trình bày Bản Cương Lĩnh Hòa Bình Chung Sống, nhưng cả 2 đều không dám ngồi lại với nhau để bàn bạc vì đang chịu ảnh hưởng nặng nề của ngoại bang, cả hai nhà lãnh đạo Nam Bắc không có quyền định đoạt đến vận mạng của dân tộc mình.
Tại Phnom Penh, ngày 17 -5- 1959 nhằm ngày mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi Đức Hộ Pháp qui Thiên và để lại cho nhơn loại một nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Chí Tôn khai sáng mà Đức Hộ Pháp là người khởi đầu gầy dựng nên một Đại nghiệp cho Đạo. Sự nghiệp của Đức Ngài là sự nghiệp chung của Đạo. Ngoài ra Đức Hộ Pháp không có bất cứ một tài sản nào gọi là riêng tư của Ngài. Cả một cuộc đời chỉ biết dâng hiến cho Đạo và cho Đời. Thật vậy ngay sau khi vừa thoát xác được 3 ngày Đức Hộ Pháp liền giáng cơ cho bài Thài, trong đó với 2 câu kết đủ nói lên tấm lòng của Đức Ngài như sau:
Rồi đây ai đến cầm Chơn Pháp
Tô điểm non song Đạo lẫn Đời.
Tóm lại, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc ngoài cương vị Lãnh Đạo trong sáng của một Tôn giáo, Ngài còn là một công dân yêu nước nồng nàn.
Giờ đây, tuy vắng bóng Ngài nhưng đối với người tín đồ Cao Đài luôn luôn hằn sâu trong tâm trí hình ảnh khả kính của Đức Ngài và nhất là mãi mãi để lòng ngưỡng mộ Ngài trong trái tim cùng với Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Chúa Jesus Christ, Đức Khổng Tử, Đức Lão Tử…
Đối với Đạo, Ngài vẫn là Hộ Pháp, vẫn là Thiên sứ của Đức Chí Tôn trong sứ mạng:
Giáng Linh Hộ Pháp Di Đà
Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
Và:
Tạo đời cải dữ ra hiền,
Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn.

Kính thưa quí Quan Khách, quí Đồng Đạo và Đồng Hương,
Trước khi dứt lời, Thay mặt Ban Tổ Chức chúng tôi chân thành cảm ơn về sự hiên diện của chư quí vị đã giúp cho buổi lễ hôm nay tăng thêm phần long trọng, đồng thời chúng tôi cũng thành tâm dâng lời cầu nguyên an lành đến chư liệt vị và bửu quyến.
Nam Mô Tam Châu Bát Bộ Hộ Pháp Thiên Tôn

Trân trọng kính chào.
Ban Tổ Chức
Đại Lễ Giáng Sinh Đức Hộ Pháp
năm thứ 119 tại hải ngoại

Ảnh Lễ Kỷ Niệm ngày Giáng Sinh thứ 119 của Đức Hộ-Pháp tại Hội Trường Châu Đạo California

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More