Di tích Trung ương cục Miền Nam - Rực lửa chiến công và nặng ân tình


(Your Tây Ninh) Thật vui sướng làm sao, khi giữa những ngày tháng Tư sau 35 năm giải phóng miền Nam, lại được trở về những cánh rừng lịch sử, nơi từng có những con người với những quyết định lịch sử trực tiếp dẫn đến ngày toàn thắng.

Một trong những nơi ấy là khu di tích căn cứ sóc Tà Thiết thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nơi trú đóng của Bộ Chỉ huy Miền (Quân Giải phóng miền Nam) từ năm 1973 đến 1975. Đón khách phương xa từ tận cửa rừng là những cây xoài mút khổng lồ với vòm lá rậm dày xanh bát ngát. Thân cây cỡ chừng 2 mét bề ngang. Thành ra, cô hướng dẫn viên vận bà ba đen, đội nón tai bèo thoắt như nhỏ lại giống như “cô du kích nhỏ giương cao súng” trong một bài thơ của Tố Hữu.
Người thì bé, nhưng giọng nói thì to vang và rành rọt lắm bởi cô có chiếc loa kim dắt ở thắt lưng cùng micro cài ở bên tai. Trong căn nhà trưng bày truyền thống của khu di tích, cô đứng lại trước mỗi hiện vật và hình ảnh, kể cho mọi người nghe về những sự kiện quan trọng nhất từng diễn ra ở Bộ Chỉ huy Miền. Những địa danh Tây Ninh cũng được vang lên. Đấy là Trảng Chiên, Chàng Riệc, Đồng Rùm, Dương Minh Châu… vì đây mới là những căn cứ khởi đầu của lực lượng vũ trang miền Nam những ngày còn “trứng nước”. Có chân dung các vị tướng lĩnh, chỉ huy các thời kỳ như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng… Những hiện vật vẫn còn kia, trang trọng trong tủ kính. Từ những quân tư trang đến những vật dụng bình thường như cây viết máy, chiếc ca nhôm... Tất cả như bỗng có hồn, lung linh và sống động khác thường. Nhiều người dừng lại lâu trước chân dung vị “nữ tướng” duy nhất thời kháng chiến chống Mỹ, đó là vị Phó Tổng Tư lệnh Nguyễn Thị Định. Bà hiên ngang đứng bên đồng chí Fidel Castro - lãnh tụ của Cách mạng Cuba lúc đồng chí sang thăm vùng giải phóng miền Nam. Lại có bức, bà trang phục áo bà ba, khăn rằn giản dị, đi duyệt trước hàng quân toàn nữ chiến sĩ. Giọng cô hướng dẫn viên như trầm xuống khi kể về những ngày sống nơi này của bà Ba Định…

Rời nhà truyền thống, mọi người được dẫn tới những ngôi nhà lá trung quân tản mác trong rừng Tà Thiết. Nơi có nhiều xoài và me cổ thụ chính là nơi xưa từng có một xóm (sóc) của người dân tộc Khmer. Chung quanh là ruộng, rừng và trảng trống. Rừng thưa thớt hơn bên Chàng Riệc Tây Ninh và chủ yếu là le. Nhưng nơi có các căn nhà được phục dựng vẫn còn những khoảng rừng có cây to và dây leo vấn vít. Riêng nhà của Phó Tư lệnh Trần Văn Trà ở gần bên cửa rừng là lẫn vào xóm sóc, có cả một cây me cổ thụ và hàng cây thốt nốt ở sau nhà. Cấu trúc nhà cũng kiểu sàn như của bà con dân tộc thiểu số. Cột kèo đã bê tông hoá nhưng vẫn giữ hình thức xưa là giống hệt những cây tròn nguyên vỏ. Mái lá trung quân lợp thành 4 tấm. Vài chiếc bàn, giường cũ kỹ thô sơ. Cô hướng dẫn đưa khách tới thắp nhang trước di ảnh vị tướng tài ba… và nói thêm một chi tiết: - Ông từng chỉ đạo sát sao việc phục hồi khu di tích sóc Tà Thiết. Năm 1995 hoàn thành thì ông đã thanh thản ra đi vào đúng một năm sau.

Từ cửa rừng vào tới căn nhà vị tướng- Phó Tổng Tư lệnh Nguyễn Thị Định cũng phải tới 3km, giờ đã có đường nhựa hẳn hoi nhưng vẫn vòng vo, lên xuống như kiểu đường rừng. Nhà cô Ba lại làm kiểu nửa nổi, nửa chìm vào lòng đất. Cũng nhỏ nhắn hơn 10m2, lợp lá trung quân nhưng có một chái phụ xoè ra ôm choàng vào một gốc bằng lăng. Di ảnh cô Ba trên bàn thờ vẫn tươi tắn trong quân phục nghiêm trang. Vẫn còn hoa tươi và trái cây của những người đến trước lặng lẽ toả thơm trong không gian mộc mạc, chỉ có tấm phản nằm và bộ bàn ghế đai giản dị.

Từ đây trở ra một đoạn, sẽ là ngôi nhà hội trường của Bộ Chỉ huy Miền, nơi diễn ra những cuộc họp bàn, nơi nhận bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh với những câu chữ đã trở nên bất hủ: “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Xốc tới Sài Gòn giải phóng miền Nam”. Để từ đây, sau những chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Miền đã quyết định đề nghị đặt tên chiến dịch cuối cùng- giải phóng hoàn toàn miền Nam là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính là trên chiếc bàn ghép lại kia, với chừng mươi chiếc ghế vòng quanh đã trải tấm bản đồ chiến sự, mỗi ngày mỗi thêm những mũi tên màu đỏ. Nhà hội trường cũng nửa nổi nửa chìm, rộng hơn những căn nhà khác và mái cũng đẹp hơn nhờ có vài ba tầng mái lá trung quân. Nơi đây có những gốc dây rừng tuyệt đẹp xoắn bện nhiều vòng, vấn vít trên mái lá, mà cô hướng dẫn viên gọi là dây lá móng bò- một loài dây có thể cho người nước uống khi thiếu nước… Chính từ căn nhà này đây, những mệnh lệnh quan trọng nhất đã được truyền đi cho 5 mũi tiến công của quân giải phóng nhất tề tụ điểm tại thành phố Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.1975. Từ sự giản dị nơi này đến sự kiện vĩ đại kia chỉ cách có chưa đầy hai trăm cây số.

Theo Báo Tây Ninh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More