(Your Tây Ninh)Đờn ca tài tử là một nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ và có thể xem Tây Ninh là một điển hình cho phong trào đờn ca tài tử đang phát triển hiện nay, với các quán cà phê ca cổ đang nở rộ.
Chỉ tính sơ trên địa bàn thị xã Tây Ninh đã có gần 20 quán cà phê bình dân có phục vụ ca cổ, chưa kể ở các huyện, xã khác. Khách đến quán thưởng thức đờn ca tài tử đa phần là những người thuộc giới lao động nghèo. Ca hay, ca dở không quan trọng, tinh thần văn nghệ là chính. Do cạnh tranh nên các quán đều rất chú ý đến nội dung chương trình, có lịch diễn hẳn hoi theo từng chủ đề. Tối ba, năm, bảy và chủ nhật thì sinh hoạt đờn ca. Những đêm hai, tư, sáu thì mời soạn giả nổi tiếng đến dạy bài bản, nhịp phách cho bất cứ ai muốn học ca cổ, không thu một khoản học phí nào. Quán cà phê nằm trong khuôn viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh là một trong những điểm nổi bật được nhiều người tìm đến. Soạn giả Thanh Hiền – Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử thuộc Hội VHNT tỉnh đảm nhiệm vai trò giáo viên chính nên thu hút rất đông người đến xin học hát, có khóa gần cả trăm người đến đăng ký. Các học viên cũng thể hiện tình cảm như những nghệ sĩ (NS) chuyên nghiệp: Để trả công thầy dạy, mỗi tháng mọi người góp tiền mua lễ vật đến cúng bàn thờ tổ khoảng 50.000đ – 100.000đ.
Một không gian đơn sơ, nhưng các “nghệ sĩ” vẫn đàn hát say sưa
Tính đến nay, các quán cà phê – những lò dạy đờn ca tài tử nghiệp dư này đã luyện hơn 1.000 ca sĩ “made in nông dân” cho giới mộ điệu ca cổ của tỉnh Tây Ninh và các vùng lân cận. Đây có thể xem là “lò” đào tạo NS cải lương “miễn phí” cho Đoàn cải lương Tây Ninh. Khi phát hiện giọng ca nào có triển vọng là Đoàn “xin” về đào tạo thêm kỹ năng diễn xuất để tăng cường diễn viên cho Đoàn. Một số người đã đầu quân về Đoàn cải lương Tây Ninh rất thành công như: Hồng Cẩm, Thanh Nhàn, Hồng Tâm, Vũ Thành…
Dù không qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng nhờ giao lưu hát thường xuyên nên các ca sĩ miệt vườn ngày càng hát hay và chuyên nghiệp hơn, giành được nhiều giải khi tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Cụ thể như chị Kim Phượng – ở Long Thành Bắc, Hòa Thành đoạt giải A trong cuộc thi Dòng sông Vàm Cỏ tổ chức ở Long An. Nhóm của chị Xuân Hòa ở Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu đoạt giải ba trong hội thi đờn ca tài tử do huyện Châu Thành tổ chức.
Sự bùng nổ của phong trào đờn ca tài tử ở Tây Ninh, với hơn 100 nhóm, câu lạc bộ đang hoạt động, còn dẫn đến việc khan hiếm nhạc công. Một số nhạc công đã bỏ đàn đi làm rẫy, làm hồ, nay được mời trở lại để phục vụ ở các quán cà phê ca cổ với mức thu nhập 50.000đ/đêm. Cũng vì khan hiếm nhạc công nên một số thanh niên đã thu xếp việc đồng áng rủ nhau đi đăng ký học đàn ở trung tâm văn hóa tỉnh hay ở các “lò” dạy đờn ca tài tử để kiếm việc làm thêm ở các quán ca cổ.
2 nhận xét:
Rất vui được tham gia!
Cho e tham gia vs ạ
Đăng nhận xét